Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Nhung con thuyen doc moc

(TT&VH) - Vào thời hoang sơ khi tiếp xúc với sông nước, người ta đã nghĩ đến chuyện làm một cái gì đó nổi trên mặt nước có khả năng đi lại được. Bè tre, bè chuối và tất cả những gì nổi được kết vào nhau giúp người ta đi trên mặt nước và đánh bắt cá.

1. Trên trống đồng Đông Sơn có chạm khắc những con thuyền lớn mũi cong, mang theo cả một đội quân chừng 10 người, làm cả vọng lâu trên đó, săn bắn, đánh nhau và tế lễ giết tù binh. Trên thuyền Đông Sơn người ta thấy cả chim bồ nông, một giống được huấn luyện để bắt cá khi chúng đậu ở mạn thuyền, ánh lửa trên thuyền dụ cá đến và bồ nông nhảy xuống bắt. Người ta buộc vào cổ chim một vòng dây nhỏ, khiến chúng không nuốt được cá và nhả cá vào lòng thuyền, tất nhiên chúng cũng được gia chủ nịnh, sau đó cho ăn cẩn thận.



Lòng thuyền độc mộc cổ Việt Khê với các đồ tùy táng, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

Con thuyền Việt Khê thời Đông Sơn mà giới khảo cổ học đào được tuy khá dài, nhưng không sánh được với những con thuyền chạm khắc trên trống đồng và thạp Đào Thịnh. Đặc điểm chung là chúng được làm từ nguyên một cây gỗ, nên gọi là thuyền độc mộc.

Việc làm thuyền độc mộc phổ biến ở nhiều nơi có những bộ tộc hoang sơ, rừng nguyên sinh còn nhiều, có những cây gỗ lớn, cho phép làm hẳn một con thuyền chỉ bằng một cây gỗ. Thuyền to hay nhỏ phụ thuộc vào cây gỗ kiếm được.



Thuyền độc mộc khắc trên tang trống đồng Hoàng Hạ, thời Đông Sơn. Trích từ sách "Thạp đồng Đông Sơn" của Hà Văn Phùng.

2. Nhìn những con thuyền độc mộc, tôi nghĩ rằng người ta đã vận chuyển chúng bằng con lăn ra gần nguồn nước, đào rãnh dẫn nước tới đó để sau khi làm xong thuyền đẩy chúng vào dòng sông.

Để khoét một con thuyền độc mộc cũng không dễ dàng. Nhiều con thuyền có dấu tích hơi đen bên trong mạn thuyền chứng tỏ cây gỗ được đốt lòng để khoét cho dễ. Những con thuyền độc mộc của người Viking trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York cao tới đầu người và dài hơn 15 thước, đủ chỗ cho một hai gia đình đi trên đại dương, hay hàng chục chiến binh.

Những con thuyền độc mộc của người Thái dài và thấp hơn, hiện có thể thấy được ở vùng Chiang Rai và Chiang Mai, phía Bắc Thái Lan. Nhiều con thuyền được dùng làm bàn trong các quán ăn và các nhà sưu tập.

Đi trên sông, thuyền độc mộc khá vững vàng, nhưng đi trên biển sóng to nước lớn, con thuyền độc mộc cũng dễ lật úp, nên nhiều bộ tộc ở ven biển và ven xích đạo, nối thêm phần khung bè tre vào một bên mạn thuyền như một khung phụ giúp cho thuyền gặp sóng lớn không bị lật và vững vàng khi đánh cá người ta đứng trên lòng thuyền.

Những con thuyền độc mộc ngay từ đầu chúng có đáy tròn do cấu tạo tự nhiên của cây gỗ, đáy tròn hay tam giác giúp thuyền có phần chìm sâu hơn, lướt nhanh hơn trên mặt nước so với những con thuyền đóng bằng ván sau này có đáy bằng, tốc độ di chuyển chậm, dễ bị lật khi nóc quá cao và gặp sóng lớn.

Rừng già ngày một lùi xa, khiến người ta khó kiếm được một cây gỗ lớn để làm thuyền độc mộc, kỹ thuật đóng thuyền bằng ván ghép ra đời, có lẽ đi đầu là những con thuyền của người Hy Lạp và La Mã, hay người Ai Cập.

Chuyên mục do nhà phê bình Phan Cẩm Thượng thực hiện, xuất hiện trên TT&VH Chủ nhật hằng tuần.

3. Ở Việt Nam thời kỳ hiếm gỗ, người ta đã sáng tạo ra những con thuyền thúng đan bằng tre, thực ra chúng được lấy kiểu mẫu từ thuyền độc mộc.

Dùng tre chẻ nan lớn có mặt rộng đan thành loại thuyền dài như ở đồng bằng Bắc bộ và loại thuyền tròn như ở vùng biển Thanh Hóa trở vào. Những thuyền thúng đều phải dùng sơn ta chít cho kỹ các nếp đan và phết đều lên thành thuyền cho khỏi ngấm nước. Thuyền thúng rất nổi trên mặt nước, tuy di chuyển khá khó, nhưng khi ngồi câu, người ta có thể ngồi lệch mà thuyền vẫn khó lật úp. Có một thời con người gắn với sông nước, con thuyền chính là ngôi nhà của họ, khi chết đi cũng được chôn trong con thuyền.

Phan Cẩm Thượng

Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét