Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Chuyen muc On the Road Say Kava o chau Dai Duong

Hành trình chinh phục và khám phá vẻ đẹp châu Đại Dương ở khu vực Melanesia với tôi là một nỗi đam mê bất tận.

Bởi miền đất ấy chính là thiên đường hạ giới với Fiji, Solomon, New Caledonia… Nhưng ấn tượng nhất với tôi vẫn là đảo quốc Vanuatu bởi suốt những ngày dài nơi ấy, tôi được người bản xứ thiết đãi say chí tử cùng rượu Kava - một thứ thức uống gắn liền với câu chuyện văn hóa, lịch sử, truyền thuyết, và cả sự… ghê rợn mà chỉ có ở châu Đại Dương xa xôi.

>> Chuyên mục On the Road: Rốt cuộc tôi là một con lừa!
>> Chuyên mục "On the Road": "Trả bài" trên những chuyến tàu

>> Chuyên mục "On the Road": Một chuyến đi dài


Kava - Lần chạm mặt đầu tiên


Từ quần đảo New Caledonia, mất 2 giờ bay, tôi hạ cánh xuống đảo quốc Vanuatu thuộc khu vực Melanesia ở châu Đại Dương vào một buổi tối trời. Ngồi lắc lư sau thùng xe cà tàng rời sân bay quốc tế Bauerfield ở thủ đô Port Vila trên đảo Efate - hòn đảo lớn nhất của Vanuatu - tôi ngỡ mình đang đi về miệt quê nào đó chứ không phải đang đi trên thánh địa của giới du lịch thượng lưu Úc với những hình dung về các hòn đảo nghỉ dưỡng toàn du thuyền sang trọng, thủy phi cơ cá nhân, resort năm sao lóng lánh cùng đại dương xanh biếc. Nhìn trời đất tối om, tôi phải trấn an mình rằng thực tại bao giờ cũng không như mong đợi, rằng tôi đang đi về miền hòa nhập cùng thiên nhiên bởi nghe nói cả đất nước Vanuatu giao thông không cần đến đèn xanh đèn đỏ, rằng tôi đang đi trên đảo quốc từng có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới.



Đảo quốc Vanuatu nhìn từ trên cao

Đường vắng tanh vắng ngắt, không ánh điện, hình ảnh ban đầu về thủ đô một đất nước ở châu Đại Dương với tôi chỉ có thế. Vào đến trung tâm thủ đô Port Vila, tôi được tham gia buổi thiết tiệc có sự tham dự của cựu tổng thống Kalkot Mataskelekele và phu nhân cùng những người thân hữu. Bữa tối đầu tiên ở Vanuatu với rất nhiều những món ẩm thực độc đáo, lạ mắt mà tôi chưa từng thấy qua ở các quần đảo khác trong khu vực. Nào là các loại củ lấy đá nóng ủ chín, (gọi theo tiếng Bislama địa phương là món lập-lập) rưới nước cốt dừa, ăn béo ngậy, đến các loại thịt cũng dùng đá nóng nướng chín.

Nhưng tôi tò mò nhất với cái chậu nước to ở trung tâm bữa tiệc, màu xám và sánh như nước bùn, thỉnh thoảng lại thấy một anh bản xứ đi đến, với chén con múc đầy "nước bùn" nốc cạn, súc miệng bằng hớp nước lọc kế bên, rồi lững thững ra ghế ngồi đánh phịch, gục đầu. Hai người, rồi ba người, đều cũng hành động giống nhau như thế. Chậu "nước bùn" trở thành tâm điểm chú ý của tôi. Tiến lại gần, tôi thấy bên chậu "nước bùn" có miếng giấy nhỏ ghi ngắn gọn: Kava. Không dám cầm chén uống thử, nhưng trong đầu tôi là hàng tá câu hỏi đầy bí ẩn từ thứ "nước bùn" kỳ lạ có tên gọi Kava ấy, và chẳng ngờ rằng, bắt đầu từ ngày thứ 2 ở đảo quốc Vanuatu, tôi đối mặt với cơn say Kava đầu tiên trong đời và triền miên suốt những ngày kế tiếp.





Nét đẹp hoang sơ ở các quần đảo trên đất nước Vanuatu

Say ở Kava bar

Ngày thứ 2, mỹ từ bí ẩn "Kava" dần được những người bản địa giải mã cho tôi biết, Kava là giống cây mọc hoang khắp đảo quốc Vanuatu, người ta nhổ cây lên, lấy rễ xay nhừ, chắt nước cốt uống và gọi đó là rượu Kava. Người dẫn đường bật mí thêm: "Biết thưởng thức Kava, là thưởng thức cả một phần văn hóa của dân tộc Vanuatu, và chưa uống Kava là chưa đến Vanuatu". Nếu đúng thật thì hóa ra thứ "nước bùn" đêm trước tôi thấy, không ngờ lại mang trong mình sứ điệp dữ dội đến vậy. Chặc lưỡi với người dẫn đường vì lỡ mất cơ hội thưởng thức Kava đêm trước, nhưng tôi được trấn an rằng tối nay sẽ được đưa đi bar thiết đãi một trận Kava ra trò.

Nhá nhem tối, chưa kịp cơm nước, tôi đã bị kéo đi quán bar uống Kava - một nghịch lý chưa từng thấy bởi cứ nghĩ rằng đi bar phải là đợi khuya khuya, khi đã no say, sần sần vào nghe nhạc giựt lắc mới đã.

Hóa ra đi Kava bar không phải vậy, uống Kava là phải uống trong lúc đói, và bar Kava chỉ là một quầy nhỏ đóng gỗ tạm bợ, một bóng đèn tù mù, trên quầy để chậu "nước bùn" chềnh ềnh như cái chậu giặt đồ cỡ đại. 100vatu (khoảng 1 đôla) cho một chén Kava, tiền trao xong, Kava được múc ra, và khi uống phải ngửa cổ uống một hơi cạn sạch. Tôi được nghe kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, nhưng khi đưa chén Kava lên mũi, một mùi lợm lợm, tanh tanh, hăng hắc, phảng phất vị đắng xộc lên mũi muốn phát ọe, vừa hạ chén xuống đến cổ, nhìn quanh thấy ai cũng nhìn tôi chằm chằm chắc để xem thằng da vàng mũi tẹt này nốc Kava được đến đâu.

Máu tự ái rần rần, tôi ngửa cổ cạn chén Kava trong sự khoái chí của người dẫn đường. Nén cơn nôn ọe, vừa đặt chén xuống quầy bar, chỉ chưa đầy 10 giây, đầu óc bỗng quay cuồng ngay tức khắc, một luồng tê dại chạy từ cuống lưỡi lên đầu lưỡi, lan ra khóe miệng, đầu óc mụ mị, chao đảo, mí mắt sụp xuống, tôi bước đi trong xiêu vẹo, ráng lết mình ra chiếc ghế gần đó và thả người rũ rượi, đầu óc nửa tỉnh nửa mơ, uống bia rượu có say nhanh lắm cũng phải năm mười phút, đằng này món Kava say nhanh quá. Tôi chỉ muốn gục đầu, nhắm mắt, toàn thân thả lỏng, các giác quan như đóng chặt lại, người u u mê mê…



Một bữa tiệc Kava trên đảo Santo, Chén Kava đầy dư vị và ấn tượng
khó phai trong hành trình khám phá châu Đại Dương


Văn hóa Kava

Từ cơn say Kava đầu đời ấy, ngôn ngữ giao tiếp mở đầu của tôi với người bản địa suốt những ngày sau là từ Kava. Người Vanuatu nói thổ ngữ Bislama, chẳng hiểu mô tê gì nhưng tôi chỉ cần mở miệng Kava, Kava… thế là cười, gật đầu lia lịa, bắt tay nhau kiểu như bằng hữu gặp từ đâu đó lâu lắm.

Hành trình từ đảo Efate đến các hòn đảo lớn khác của đảo quốc Vanuatu như Tana, Santo… đến đâu tôi cũng được thiết đãi món Kava. Nhờ uống Kava, tôi trở nên gần gũi hơn trong mắt người bản địa. Thức uống Kava được người bản xứ dùng như một liệu pháp an thần, uống vào để cơ bắp, đầu óc thư giãn. Nghe nói thức uống này không gây hại đến ngũ tạng, nhưng cái tôi thấy nhãn tiền là uống nhiều da hai gò má, mu bàn tay khô và bong dần ra nhanh.

Tìm hiểu thêm, tôi được biết Vanuatu có 83 hòn đảo lớn nhỏ, nhưng có đến 92 giống Kava khác nhau, với hơn 100 câu chuyện truyền thuyết liên quan đến Kava. Ngày xa xưa Kava chỉ được sử dụng hạn hẹp trong cộng đồng làng vào những dịp quan trọng, sau ngày Vanuatu giành được độc lập 31/07/1980, Kava dần trở nên đại chúng. Đến năm 1983 Kava đã thành thức uống phổ biến khắp đảo quốc Vanuatu với nhiều cách chế biến. Tôi được uống Kava từ cối xay hiện đại và vệ sinh ở Kava bar của thủ đô Port Vila, uống Kava từ công cụ đá mài ở đảo Santo, nhưng còn thiếu một cách thưởng thức Kava cổ truyền nhất mà nay chỉ tồn tại trong những ngôi làng xa xôi, còn nhiều tách biệt với thế giới văn minh của loài người.








Các cách thức chế biến Kava của người Melanesian ở Vanuatu

Uống Kava kiểu nguyên thủy

Phải mất nhiều ngày thử thách với rất nhiều những trận say Kava ở khắp đảo quốc Vanuatu, tôi được giới thiệu đến một nhân vật có đam mê và sở thích khám phá những câu chuyện liên quan đến văn hóa thưởng thức Kava, người có thể giúp tôi đạt được nguyện vọng tham dự trọn vẹn một buổi tiệc Kava theo lối cổ xưa nhất của người Melanesian ở một ngôi làng cách thủ đô Port Vila gần 2 giờ xe chạy. Dù chưa hiểu lối uống Kava cổ xưa nhất là gì, nhưng tôi rất hăm hở nhập cuộc, bởi đã chạm gần đến cái đích cuối cùng của văn hóa thưởng thức Kava.

Xe băng rừng, đi mãi đến một làng nhỏ, đón chúng tôi có ba thanh niên lực lưỡng, cơ bắp, tay cầm sẵn con dao phát to vật. Bữa Kava đón khách bắt đầu nhanh gọn với 3 bụi Kava được nhổ ngay bên đường, con dao phát được 3 thanh niên nhanh chóng gọt tỉa đất bám quanh rễ để lộ màu vàng ươm, rồi bỏ vào miệng nhai rau ráu, sau đó hái tàu lá môn ven đường nhổ ra thành từng đụn hỗn hợp Kava nát vụn, sền sệt. Tôi ngờ ngợ hiểu ra kiểu uống Kava cổ xưa là thế nào và bắt đầu cảm giác rợn chạy dọc sống lưng đến dựng cả tóc gáy.

Bao phân bón ven đường tận dụng làm đồ lọc, Kava được chiết từ hỗn hợp vừa nhai vắt vào gáo dừa, và tôi được mời chén đắng ấy. Không cách chối từ, tôi cầm gáo Kava tay run run, mắt rưng rưng, miệng méo xệch không phải vì xúc động vì được đón tiếp một cách nồng hậu theo đúng tập tục cổ xưa mà vì sợ uống món Kava nhiều dư vị. Ơn trời, tôi nhắm mắt nuốt trôi mà không cớ sự gì xảy đến trong niềm vui và sự phấn khởi của người làng, và của cả chính tôi bởi đã được trải nghiệm đủ những kiểu uống Kava độc đáo, ấn tượng và chẳng thể nào quên trong những ngày dài khám phá vẻ đẹp về con người, thiên nhiên, và biển cả ở đảo quốc Vanuatu nơi châu Đại Dương xa xôi.





Nhai Kava phải là thanh niên mạnh khỏe, vì rễ Kava rất cứng



Nhai Kava đãi khách, phong tục cổ xưa nhất về cách thức uống Kava
của người Melanesian ở châu Đại Dương



Chế biến Kava bằng cối xay thịt



Một giống Kava trên đảo Vanuatu



Kava chỉ dùng phần rễ để xay chắt nước uống
say như rượu nên còn gọi là rượu Kava







Nhìn vào dụng cụ pha chế Kava, người sành uống Kava biết
xuất xứ cách uống Kava của đảo nào trên tổng số 83 hòn đảo của Vanuatu.


Nguyễn Đình


Theo www.baomoi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét